Thần tài: 神 財
Thần: – vị Thần, – Tinh thần, Thần: Thiêng liêng mầu nhiệm,
Tài: – trí phi thường. Tài: tiền bạc, của cải.
Thần tài là vị Thần cai quản về tiền bạc và của cải.
Theo tín ngưỡng dân gian, Thần tài mang lại tiền bạc hay của cải cho mỗi gia đình, nên mỗi gia đình, nhứt là gia đình mua bán hay kinh doanh đều có bàn thờ Thần tài, đốt nhang nghi ngút để cầu xin Thần tài cho mua may bán đắt, trúng mối lời nhiều, đem lại nhiều tiền bạc sung túc. Người đời rất quí trọng tiền bạc nên rất quí trọng Thần tài. Những nhà kinh doanh đều có lập bàn thờ Thần tài rất long trọng, đặc biệt bàn thờ Thần tài không được đặt trên cao mà phải đặt ngay trên mặt gạch nền nhà.
Sự tích của Thần tài: có nhiều sự tích nhưng dân gian thường nhắc hai sự tích sau đây:
- Thần tài là một cô gái tên là: Như Nguyện ( có nơi gọi là Như Ý).
Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn. Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.
Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ. Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.
Do sự tích nầy, người ta có tục kiêng cử quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại.
Cũng do sự tích nầy mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên.
Nhưng trong thực tế, người ta thường gọi là Ông Thần tài chớ không ai gọi là Bà Thần tài, nên ngoài sự tích Thần tài là cô gái Như Nguyện còn có thêm nhiều vị tài thần khác
- Thần tài là ông Triệu Công Minh:
Ông Triệu Công Minh ở đây không phải là Triệu Công Minh trong truyện Phong Thần hay trong truyện Bắc Du Chơn Võ, mà là một người dân ở núi Võ Đang bên Tàu.
Truyện dân gian Trung quốc kể rằng: ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên là Triệu Công Minh nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông xách giỏ đi khắp nơi xin quần áo cũ để mặc và xin cơm cặn canh thừa để ăn. Nghèo đến thế nhưng ông lão có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có một ông phú hộ, gọi là Tiền Viên Ngoại, tánh rất xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Ông lão nghèo họ Triệu thấy vậy mới lượm gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn ấy về nuôi chó và vịt. Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, còn con chó già thì khạc ra 10 thoi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho lão Triệu. Lão Triệu trở nên rất giàu có, trong lúc Tiền Viên Ngoại thì càng lúc càng nghèo vì tánh xa xỉ. Một thời gian sau, Tiền Viên Ngoại phải đi ăn xin, khi gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên cảm thấy rất xấu hổ. Họ Triệu thông cảm, giúp cho lão Viên một số tiền khá khá đủ làm vốn liếng làm ăn, nhưng Lão Viên quen tánh tiêu xài xa xỉ nên dần dần hết vốn, trở nên nghèo khổ. Lão Viên lại sanh ác tâm, thấy họ Triệu giàu lớn như vầy bèn tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão Viên thừa lúc vắng vẻ, lén đốt nhà của Triệu cháy ra tro, nhưng họ Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phụng bay vút lên trời, con chó già biến thành con cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của Triệu đều hóa thành đá, và Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng lập miểu thờ Triệu Công Minh gọi là Thần tài miếu.
Chúng ta không thể xác định được người VN thờ Thần tài vào lúc nào, bởi vì như trên đã nói, việc thờ Thần tài là do người VN bắt chước các Hoa kiều, như thế những người VN thờ Thần tài chắc chắn là những người thường làm ăn buôn bán với các Hoa kiều. Việc thờ Thần tài trong mỗi gia đình khiến cho người ta sáp nhập Thần tài vào các Thần bản gia như: Thổ địa, Ông Địa, Ông Táo. Do đó, người Tàu làm ra một tấm bài vị gộp chung các danh hiệu của các vị Thần bản gia để thờ, mà người ta thường gọi là “bài vị Thần tài”, và chúng ta thấy bài vị nầy được thờ ở hầu hết trong các tiệm quán, nhà buôn, ở các văn phòng công ty và xí nghiệp. Bài vị Thần tài được vẽ trên một tấm kiếng, nền sơn đỏ, tất cả đều là chữ Hán màu nhũ vàng, vẽ một cái cổng mà hai trụ có rồng quấn, trên cổng có tấm bảng đề “TỤ BẢO ĐƯỜNG” nghĩa là ngôi nhà có tụ lại những thứ quí báu, phía dưới có vẽ một cái TỤ BẢO BỒN là cái chậu huyền diệu chứa của báu.
Sau đây là một kiểu bài vị Thần tài và các Thần bản gia:
CHÚ THÍCH: (chữ Hán trên bài vị đọc từ phải qua trái và từ trên xuống dưới)
聚 寶 堂 : TỤ BẢO ĐƯỜNG: nhà chứa của quí báu.
招 財 : Chiêu tài: mời gọi tiền của.
進 寶 : Tiến bảo: dâng hiến bảo vật.
金 枝 初 潑 腳 : Kim chi sơ phát diệp: Cành vàng bắt đầu trổ lá.
銀樹正開花 : Ngân thụ chánh khai hoa: Cây bạc chánh thức nở hoa.
Hai câu trên là đôi liễn đặt hai bên bài vị, như để chúc tụng.
Trong một kiểu bài vị khác, đôi liễn trên được viết là:
Thổ năng sanh bạch ngọc (Đất thường sanh ngọc trắng)
Địa khả xuất hoàng kim (Đất khá xuất vàng ròng).
如 意 吉 祥 : Như ý cát tường: tốt lành như ý muốn.
一 帆 風 順 : Nhứt phàm phong thuận: thuận buồm xuôi gió.
四 季 平 安 : Tứ quí bình an: bốn mùa bình an.
Hai câu chữ lớn ở chính giữa là danh hiệu của các Thần bản gia để thờ phượng:
五 方 五 土 龍 神 : NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ LONG THẦN
前 後 地 主 財 神 : TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN
■ Ngũ phương Ngũ thổ Long Thần: năm vị Thần trấn năm hướng và năm vị Thần đất đai long mạch sắp đặt theo Ngũ Hành gồm: bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung ương.
- Năm vị Thần Ngũ phươnglà: Hoàng đế (Trung ương), Bạch đế (hướng Tây), Hắc đế (hướng Bắc), Thanh đế (hướng Đông), Xích đế (hướng Nam).
- Năm vị Ngũ Thổ Long Thầnlà năm vị Thần long mạch coi về đất đai, bảo hộ cư dân làm ăn sinh sống, gồm:
-
- Thổ Công, làm chủ nền nhà.
- Thổ Thần, làm chủ khu đất.
- Thổ Địa, cũng gọi là Môn Khấu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài Thần: Thần Thổ Địa trực ở cổng để tiếp dẫn Thần Tài vào nhà.
- Thổ Phủ, bảo hộ các kho hàng.
- Thổ Kỳ, cai quản mặt đất nói chung.
■ Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần: gồm hai vị: Tiền Địa Chủ Tài Thần và Hậu Địa Chủ Tài Thần.
- Tiền Địa Chủ Tài Thầnlà Thần Tài của chủ đất trước. Thờ vị Thần nầy là có ý báo bổn tư nguyên, tức là báo đáp cái gốc, nhớ đến cái nguồn.
- Hậu Địa Chủ Tài Thầnlà Thần Tài của chủ đất sau, tức là thờ vị Thần Tài của chủ đất hiện nay.
(Theo Huỳnh Ngọc Trảng – Nguyễn Đại Phúc: Thần Tài – Tín ngưỡng và Tranh tượng)
Những cơ sở kinh doanh các ngành nghề đều có thờ Thần Tài. Họ lập bàn thờ Thần tài lớn và trang nghiêm rực rỡ, chưng cúng bông và trái cây thường xuyên, cúng nước mỗi sáng mỗi chiều đều đốt nhang khấn vái để Thần Tài luôn luôn phù hộ cho họ làm ăn phát tài. Trên bàn thờ, ngoài bài vị Thần Tài còn có đặt phía ngoài hai tượng: tượng Ông Địa và tượng Ông Thần Tài.
Về Ngũ Hành thì bàn thờ thuộc hành Hỏa và Mộc là 2 hành hướng lên cao và cần sự chăm sóc mỗi ngày. Trừ bàn thờ Ông Địa Thần Tài là tín ngưỡng dân gian mọi nhà giống nhau, đặt gần cửa để nghinh tiếp tài lộc, còn lại bàn thờ gia tiên và tôn giáo riêng của mỗi gia đình (thờ Phật, thờ Chúa…) nên mang tính hướng nội, không cần phải đặt ngay trong phòng khách.
Ngoài bàn thờ gia tiên, ở Nam bộ, người ta còn có trang thờ, bàn thờ ông Táo, thờ ông Địa, ông Thần Tài. Trang thờ được bố trí ở trên cao, nơi gian giữa. Trên trang thờ có đôi chân đèn nhỏ, lư hương, bình bông, mâm dĩa trái cây, chung rượu, tách nước.
Bàn thờ ông Táo được đặt ở sau bếp. Đây cũng chính là vị “nhất gia chi chủ”, có nhiệm vụ coi sóc việc gia cư, định họa phước, trừ ma diệt quỷ.
Riêng các vị Thần Tài, Ông Địa chỉ thờ dưới đất, trong góc hẹp, được lý giải bởi một truyền thuyết Như Nguyện đã nói trên.
Cũng có quan niệm cho rằng Thần Tài là một phiên bản của Thần Đất (Thổ Địa) – vị thần hộ mệnh của xóm làng, cai quản vùng trời, đất đai, phù hộ con người và gia súc trong xóm làng, mùa màng bội thu.và ý niệm trông mong vào các vị thần bắt giúp trấn an trên con đường mưu sinh.
Thần Đất cũng là một trong các vị thần bản địa được mang vào để thờ phụng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Dần dà về sau, thương nghiệp phát triển, kinh tế hàng hóa phổ biến, nhu cầu mua bán, trao đổi phát triển, người ta cần vàng và tiền bạc hơn. Lúc đó, vàng, tiền bạc là thước đo của cuộc sống sung túc và nghèo hèn nên Thần Tài xuất hiện. Thần Tài là một dạng thức khác của Thần Đất. Nếu Thần Đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, thể hiện tính lý nông nghiệp thì Thần Tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc.
Qua các thời kỳ, hình tượng của Thần Tài có ít nhiều thay đổi. Có lúc tượng Thần Tài đầu đội mũ cánh chuồn, hai tay để trên gối, mặc áo thụng, chân đi hài đảo sen, tay cầm túi vải để đựng tiền. Lại có lúc tượng Thần Tài ngồi với tư thế chân co, chân xếp, tay cầm bó lúa và đầu để trần. Sau này có tượng Thần Tài cầm xâu tiền hoặc cầm một thoi vàng xuồng.
Mặc dù Thần Tài được xem là một hình tượng khác của Thần Đất, nhưng tựu trung, cả hai vị thần vẫn có quyền uy giúp cho con người làm ăn phát đạt, tài lai lộc tấn. Vì vậy, hiếm khi thờ cúng Thần Tài một mình, mà thường thờ cúng chung với Thổ Địa – vị thần cai quản đất đai, nhà cửa. Người ta không chỉ cúng Thần Tài vào ngày tết, mà cúng quanh năm, nhất là những gia đình chuyên nghề buôn bán. Người ta tin rằng chỉ khi nào lo cho vị thần này chu đáo thì ông mới phù hộ. Sáng sớm, khi mở cửa bán hàng người ta thắp hương cầu khẩn Thần Tài “độ” cho họ đông khách, mua may bán đắt, trong ấm ngoài êm.
Vào ngày tết, vai trò của Thần Tài càng được xem trọng hơn. Người ta lo trang hoàng nhà cửa, sửa soạn cho ông sạch sẽ, nếu vị thần này đã quá cũ hay bị hư thì sẽ thỉnh vị mới về. Họ tin rằng năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và Thần Tài có sạch sẽ thì làm ăn mới phát tài.
bipi
Keep on smiling, no matter what
Hotline: +84 (0)366 033 515
– SEN VINA DESIGN INVESTMENT JSC –